Nhân vật Nancy Drew Nancy Drew

Nancy Drew là nhân vật hư cấu trong vai một thám tử nghiệp dư. Trong các phiên bản gốc, cô là nữ sinh trung học 16 tuổi, về sau được sửa lại thành một hình tượng trưởng thành hơn 18 tuổi. Cô sống ở thị trấn hư cấu River Heights[18] với cha là luật sư Carson Drew, cùng bà quản gia Hannah Gruen.[19] Cô mất mẹ từ khi còn nhỏ (mười tuổi ở phiên bản gốc và ba tuổi ở phiên bản sau). Mất mát ấy khiến cô sớm có tính độc lập: tự mình quản lý gia nhân khi mới mười tuổi trong phiên bản gốc, hay đại diện cho cha mẹ xử lý việc nhà trong phiên bản sau. Ở tuổi thiếu niên, cô dành thời gian để khám phá những vụ án bí ẩn, một số do tình cờ gặp phải, còn lại chính là các vụ án của cha mình. Giúp Nancy phá án thường là hai người bạn thân cũng là chị em họ của cô: Bess Marvin và George Fayne. Bess tinh tế và nữ tính, trong khi George giống như con trai. Đôi lúc bạn trai Nancy là Ned Nickerson, một sinh viên tại Emerson College cùng tham gia phá án.

Nancy thường được mô tả là một cô gái siêu đẳng. Bobbie Ann Mason nói rằng Nancy có "phong thái tự chủ và trọn vẹn như một Hoa hậu Mỹ trước công chúng. Cô ấy trác tuyệt sánh với Mata Hari và ngọt ngào như Betty Crocker."[20] Con người Nancy ở trong sự giàu có, hấp dẫn và tài năng đến kinh ngạc:

Ở tuổi 16, cô ấy "nghiên cứu tâm lý học ở trường và nắm vững cách xây dựng và tổng hợp giả thuyết". Nancy là một họa sĩ giỏi, biết tiếng Pháp và thường lái xuồng máy đi chơi. Cô ấy là một tài xế điêu luyện với năng khiếu bẩm sinh được trau dồi lâu ngày. Thần đồng thiện xạ, tay bơi cừ, tay chèo cứng, khéo tay may vá, đầu bếp sành ăn và chơi bài thành thần. Nancy tỏa sáng trên sân banh nỉ cũng như sân gôn và cưỡi ngựa như một cao bồi thứ thiệt. Nancy khiêu vũ sánh với Ginger Rogers và biết sơ cấp cứu lành nghề như anh em nhà Mayo.[21]

Nancy không bao giờ thiếu tiền và trong các tập sau của bộ truyện thường bay đến những nơi xa xôi như Pháp trong The Mystery of the 99 Steps (1966),[lower-alpha 6] Nairobi trong The Spider Sapphire Mystery (1968),[lower-alpha 7] Áo trong Captive Witness (1981)[lower-alpha 8], Nhật Bản trong The Runaway Bride (1994),[lower-alpha 9] Costa Rica trong Scarlet Macaw Scandal (2004)[lower-alpha 10]Alaska trong Curse of The Arctic Star (2013).[lower-alpha 11] Nancy cũng có thể đi lại tự do tại Hoa Kỳ bằng xe hơi riêng, chiếc mui trần màu xanh khác nhau ở hai phiên bản truyện.[22] Bất chấp những khó khăn gặp phải và chi phí khi đi phá án, Nancy không bao giờ lấy tiền công; mọi phí tổn đó thường do thân chủ của cha cô tự nguyện bỏ ra.[23]

Hình thành nhân vật

Edward Stratemeyer đã thai nghén mẫu nhân vật này, phác thảo cốt truyện và đã mướn Mildred Wirt Benson chuyên nghề viết thuê để chấp bút các tập đầu tiên dưới bút danh Carolyn Keene.

Edward Stratemeyer, người sáng lập Công ty Stratemeyer Syndicate đã tạo ra hình tượng Nancy Drew. Năm 1926, Stratemeyer cho ra đời loạt truyện Hardy Boys (nhưng đến 1927 mới phát hành), bộ truyện thành công đến nỗi ông quyết định phải có một phiên bản nữ tương tự với nhân vật chính là một nữ anh hùng thám tử nghiệp dư. Mặc dù Stratemeyer quan niệm phụ nữ chỉ làm việc nhà,[24] ông nhận ra rằng Hardy Boys được các độc giả nữ yêu thích và một nữ anh hùng mạnh mẽ có thể đánh đúng thị hiếu nữ giới về những câu chuyện ly kỳ.[25]

Lúc đầu, Stratemeyer giới thiệu bộ truyện mới cho các nhà xuất bản Grosset & Dunlap (đã xuất bản bộ Hardy Boys) với tựa đề "Stella Strong Stories", đồng thời nói thêm "Có thể gọi là 'Diana Drew Stories', 'Diana Dare Stories', 'Nan Nelson Stories', 'Nan Drew Stories' hay 'Helen Hale Stories'."[26] Các biên tập viên của Grosset & Dunlap chọn "Nan Drew" nhưng đã quyết định kéo dài "Nan" thành "Nancy".[27] Khi đó, Stratemeyer bắt đầu phác thảo cốt truyện và thuê Mildred Wirt viết các tập đầu tiên dưới bút danh Carolyn Keene.[28] Các tựa truyện về sau được nhiều nhà văn viết thuê khác nhau tham gia sáng tác, tất cả đều dưới bút danh Carolyn Keene.[1]

Bốn tựa sách đầu tiên xuất bản năm 1930 ngay lập tức gặt hái thành công. Doanh số bán ra trước năm 1979 thường không chính xác, nhưng mức độ ăn khách có thể thấy trong lá thư năm 1931 do biên tập viên Laura Harris của Grosset & Dunlap thúc giục Stratemeyer: "Đề nghị gửi bản thảo càng sớm càng tốt trước ngày 10 tháng 7. Sẽ chỉ có vài tựa truyện được phát hành khi đó và Nancy Drew là tác phẩm chủ lực."[29] 6.000 bản được Macy's đặt hàng cho mùa Giáng Sinh năm 1933 đã hết sạch trong vòng vài ngày.[30] Năm 1934, tạp chí Fortune giới thiệu Stratemeyer Syndicate với hình ảnh Nancy Drew chiếm trọn trang bìa nhằm tạo sự thu hút đặc biệt: "Nancy là hiện tượng lớn nhất trên cả 50 bang. Sách thuộc hàng bán chạy nhất. Bằng cách nào mà cô ấy có thể đánh đổ bức tường thành nam quyền vững chắc thì vẫn còn là bí ẩn đối với ngay cả những người đã tạo nên Nancy."[31]

Sự phát triển nhân vật

Nhân vật Nancy Drew đã trải qua nhiều thay đổi theo năm tháng. Loạt Nancy Drew Mystery bắt đầu sửa đổi năm 1959,[32] được các nhà phê bình nhất trí rằng Nancy có thay đổi đáng kể so với nguyên bản những năm 1930 và 1940.[33] Cũng dễ nhận thấy sự khác biệt giữa Nancy Drew của loạt truyện gốc, The Nancy Drew Files và Girl Detective.[34] Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng sự khác biệt đó là không đáng kể vì đơn giản Nancy vẫn luôn là một hình mẫu cho các cô gái trẻ.[35] Bên cạnh sửa đổi đó, "Có những điều không hề thay đổi như giá trị cơ bản, mục tiêu, lòng khiêm nhường và khả năng kỳ diệu luôn vượt qua hiểm nguy trong đường tơ kẽ tóc [của Nancy].[lower-alpha 12] Trải qua hơn 6 thập kỷ, bản chất Nancy vẫn y nguyên."[36] Nancy là một "nữ hoàng trinh thám tuổi thiếu nữ", người "mang đến cho độc giả nữ nhiều thứ hơn cả một chuyến phiêu lưu hành động, một thứ gì đó thật nguyên sơ. Định kiến xã hội dành cho nữ giới phải thụ động, gia giáo và nữ tính nhưng với năng lượng tràn đầy như đạn đại bác thì Nancy uốn lại các khuôn mẫu đó và hiện thực hóa những mơ mộng về sức mạnh của tất cả lứa con gái."[37]

Các nhà phê bình khác coi Nancy là "một nghịch lý – bởi các nhà ủng hộ nữ quyền có thể ca ngợi cô như một biểu tượng 'sức mạnh phái nữ' trong khi những kẻ bảo thủ yêu thích khuôn mẫu giá trị truyền thống trong con người cô."[38]

1930–1959: Giai đoạn đầu tiên

Những tập Nancy Drew đầu tiên có bìa xanh sậm với tiêu đề chữ màu cam viền xanh và không hề có tranh minh họa. Trong vài năm đầu, trang bìa đã trải qua một số thay đổi: bỏ đường viền của tên truyện, thêm hình bóng Nancy màu cam nhìn kính lúp; tiếp đến nền đổi sang màu xanh nhạt hơn với chữ và hình bóng xanh đậm; sau đó chuyển vị trí tên truyện chữ đen và hình bóng ở mặt trước "hiện đại" hơn. Nancy Drew trong truyện 16 tuổi tính tình tự lập, đã tốt nghiệp trung học;[lower-alpha 13] thời gian cũng tiến triển theo tập truyện vào đầu thập niên 1940, Nancy đã 18 tuổi. Gia cảnh khá giả (cha cô là luật sư thành công), cô luôn tích cực hoạt động xã hội, tham gia tình nguyện bên cạnh việc điều tra, luyện tập thể thao và nghệ thuật nhưng chưa bao giờ đi làm kiếm tiền hoặc một công việc cụ thể. Nancy không bị Đại suy thoái hay Thế chiến ảnh hưởng, mặc dù nhiều nhân vật trong một số vụ án ban đầu cần giúp đỡ vì nghèo khó. Nancy sống cùng cha là luật sư Carson Drew, bà quản gia Hannah Gruen. Các tập này hầu hết do Mildred Benson viết và được các nhà phê bình đánh giá cao ngòi bút. Benson được ghi nhận là "thổi hồn cho nhân vật Nancy."[39] Nancy Drew trong bản gốc cũng đôi khi được cho là "rất giống với cô ấy [Benson] - tự tin, có năng lực và hoàn toàn tự chủ, rất khác với khuôn mẫu khô cứng mà Stratemeyer đã vạch ra."[40]

Nancy trong bản gốc thường thẳng thắn và tự chủ đến nỗi Edward Stratemeyer đã nói với Benson rằng nhân vật "quá bướng bỉnh và sẽ không bao giờ được đón nhận."[41][lower-alpha 14] Các biên tập viên tại Grosset & Dunlap không đồng tình với ý kiến này,[41] nhưng Benson tiếp tục phải đối mặt với những lời chỉ trích từ biên tập viên Harriet Adams của Stratemeyer Syndicate. Adams cho rằng Benson nên làm cho nhân vật Nancy trở nên "đồng cảm, tốt bụng và đáng yêu hơn" và liên tục yêu cầu chỉnh sửa, theo như Benson kể lại là "làm cho nữ thám tử bớt táo bạo... sửa 'Nancy nói' thành 'Nancy ngọt ngào nói', 'cô ân cần nói' và các điều tương tự, tất cả nhằm tạo nên một hình mẫu biết quan tâm, chu đáo hơn."[42] Tuy nhiên, nhiều độc giả và nhà phê bình vẫn ngưỡng mộ hình ảnh bộc trực ban đầu của Nancy.[43]

Phê phán gay gắt nhất về Nancy Drew, ít nhất qua những tập đầu,[lower-alpha 15] đến từ nhà văn chuyên viết truyện kỳ bí Bobbie Ann Mason. Mason cho rằng Nancy nổi tiếng chủ yếu là do có được "sự hấp dẫn từ ưu thế giới thượng lưu",[44] đồng thời chỉ trích loạt truyện này vì kì thị chủng tộc và phân biệt tầng lớp xã hội.[45] Mason cho rằng Nancy đang bảo vệ cho những người Tin Lành Anglo-Saxon da trắng[lower-alpha 16] thuộc tầng lớp trên vốn là "những kẻ đang dần tàn tạ, bị tầng lớp bên dưới đe dọa không thôi".[46] Không những thế, "các yếu tố ăn khách nhất của cuốn phiêu lưu trinh thám mạo hiểm này (ẩn giấu) nằm ở: trà và bánh ngon, khung cảnh lãng mạn, ăn uống ở những địa điểm kỳ quặc (không bao giờ ở Ho-Jo[lower-alpha 17]), quảng cáo ngon lành[lower-alpha 18], buổi dã ngoại truyền thống trong rừng, trang sức và của cải thừa kế quý giá... Nói nhẹ đi thì chẳng qua là một xã hội nữ hóa giả tưởng mà thôi."[47]

Cuối cùng, Mason nói nhân vật Nancy Drew là một cô gái có khả năng "hoàn hảo" vì cô ấy "tự do, da trắng và ở lứa tuổi trăng tròn"[20] và "truyện dường như hội đủ hai tiêu chuẩn – phiêu lưu và gia giáo. Trong đó phiêu lưu nằm ở thượng tầng, trên nền tảng giữ gìn khuôn phép gia đình".[47]

Các ý kiến khác cho rằng "Nancy tuy có chuẩn mực nét đẹp nữ tính truyền thống như ngoại hình ưa nhìn, trang phục phù hợp, quán xuyến việc nhà, nhưng lại thường được yêu mến do những nét nam tính... cô ấy phá án độc lập, tự do và dư dả để làm những gì mình thích, gắn kết với gia đình chỉ bằng 1, 2 cú điện thoại và được sinh ra dường như để giải quyết các chuyện kì bí hơn là làm việc nhà."[48]

1959–1979: Những chỉnh sửa tại Grosset & Dunlap

Với yêu cầu của các nhà xuất bản Grosset & Dunlap, nội dung các truyện Nancy Drew bắt đầu được chỉnh sửa lại từ năm 1959, nhằm làm cho tác phẩm được hiện đại hơn và xóa bỏ các định kiến phân biệt chủng tộc.[49] Tuy cho rằng những thay đổi như vậy là không cần thiết, Harriet Adams là người đã giám sát toàn bộ quá trình chỉnh sửa cũng như sáng tác các tập mới phù hợp với những hướng dẫn mới do Grosset & Dunlap đặt ra.[2] Tuy nhiên, loạt truyện đã không loại bỏ quá nhiều chi tiết kì thị chủng tộc cũng như bỏ đi các nhân vật không phải người da trắng.[4] Ví dụ, trong nguyên bản của Bí ẩn chiếc cửa sổ giấu kín (1956), Nancy đến thăm nhà người bạn ở miền nam, trong nhà có người hầu da đen, "Beulah già đáng yêu... bưng khay bánh khoai, pudding ngô, bánh dâu, bánh quy nóng đến phục vụ."[50] Bà chủ nhà đợi đến khi Beulah ra khỏi phòng bèn nói với Nancy: "Tôi đã cố giúp cho Beulah thoải mái hơn nhưng bà ấy cứ khăng khăng nấu nướng và phục vụ theo kiểu cũ. Nhưng phải nói thật rằng tôi lại thích kiểu ấy".[51] Trong bản chỉnh sửa năm 1975, Beulah được thay bằng Anna, một "quản gia phúc hậu tươi cười".[52]

Nhiều thay đổi khác thì tương đối nhỏ nhặt. Những cuốn truyện mới được tô viền vàng và bìa trước có hình minh họa. Nancy được nâng từ 16 lên 18 tuổi, mẹ cô qua đời khi Nancy lên 3 chứ không phải 10 tuổi, cùng vài chi tiết vặt vãnh khác.[39] Quản gia Hannah Gruen trong mấy tập đầu chỉ quẩn quanh trong bếp, nay bớt tính chất hầu việc mà thay vào đó đóng vai trò nhiều hơn như một bảo mẫu.[53]

Các nhà phê bình thấy Nancy của thập niên 1950, 1960 và 1970 có bước tiến ở nhiều mặt nhưng lại thể hiện bước lùi ở những mặt khác: "Trong các phiên bản mới này, một loạt các yếu tố đã được chỉnh sửa... và hầu hết các yếu tố phân biệt chủng tộc lộ liễu đã bị loại bỏ. Nhưng thay đổi lớn nhất mà có khi không dễ nhận ra, đó là tính tomboy của nữ chính cũng thuần hơn."[54]

Hình ảnh Nancy của thập niên 1950, 1960 và 1970 trở nên tôn trọng ý thức hệ nam quyền hơn, khiến một số ý kiến cho rằng các chỉnh sửa quá dễ dãi để được chấp nhận hơn, làm giảm đi nét đặc biệt vốn có: "Trong các bản chỉnh sửa, Nancy không ngừng lạc quan và có xu hướng nép vào cha để được chở che giống như trong The Clue of the Tapping Heels (1969)[lower-alpha 19], khi được hỏi có đi nhà thờ không thì cô đã trả lời 'Thường xuyên nhất có thể'... Nancy rõ ràng biết cách cầm giữ lời nói hơn chứ không phát ngôn tự do như trước kia."[55]

1980–2003: Tiếp tục loạt truyện gốc

Sau khi chuyển bộ truyện sang cho các nhà xuất bản Simon & Schuster, Harriet Adams vẫn tiếp tục giám sát tổng thể cho đến tận lúc qua đời năm 1982. Sau khi bà qua đời, các hậu bối được bà dẫn dắt là Nancy Axelrad và Lilo Wuenn, cùng ba con của bà kế nhiệm việc giám sát loạt truyện Nancy Drew và các bộ khác của Stratemeyer Syndicate. Năm 1985, 5 người đồng ý bán Syndicate và tất cả quyền đi kèm cho Simon & Schuster. Simon & Schuster chuyển các dòng truyện lớn này cho các tác giả mới viết.[56]

1986–1997: Loạt truyện Files, Super Mystery và On Campus

The Nancy Drew Files cho thấy một phiên bản trưởng thành hơn của nhân vật, như đã thể hiện trên bìa Hit and Run Holiday (1986).

Năm 1985 sau khi hoàn tất thương vụ mua lại Stratemeyer Syndicate, Simon & Schuster muốn tung ra một loạt ngoại truyện tập trung vào những chuyện bí ẩn người lớn hơn, đan xen cả yếu tố lãng mạn. Để kiểm nghiệm tính khả thi hiệu quả của đề án này, hai tiểu thuyết cuối là The Bluebeard Room[lower-alpha 20] và The Phantom of Venice[lower-alpha 21] được thử nghiệm dẫn đường cho loạt mới này. Đây là sự khác biệt rất lớn khi so với cả loạt truyện trong 55 năm đã qua. Ví dụ, The Phantom of Venice (1985) mở đầu bằng sự bối rối của Nancy (in nghiêng trong nguyên bản) "Mình yêu hay không yêu Ned Nickerson?"[57] Nancy bắt đầu hẹn hò và đón nhận những ham muốn thể xác thường thấy ở tuổi mới lớn: "'Mình thấy [cậu hôn anh ấy]... Cậu không cần phải xin lỗi khi thấy hứng lên vì một chàng trai nào đó.' 'Gianni có làm mình hứng đâu!... Để mình nói cho nghe'"[58] Năm sau, Simon & Schuster cho ra mắt cuốn ngoại truyện đầu tiên mang tựa The Nancy Drew Files.[59]

Nhân vật Nancy Drew của loạt Files làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều giữa các người hâm mộ. Một số ý kiến cho rằng Nancy trở nên "giống với nữ anh hùng ban đầu của Mildred Wirt Benson hơn bất kỳ bản nào kể từ năm 1956".[60] Các ý kiến khác thì chỉ trích nội dung càng ngày càng loãng vì quá nhiều yếu tố lãng mạn và "[hời hợt] nữ quyền mốc xì[lower-alpha 22]".[61] Một nhà phê bình nhận xét "Những kẻ theo chủ nghĩa thuần túy Millie[lower-alpha 23] đã định hình Files, trong đó những nụ hôn phớt nhẹ của bạn trai Ned Nickerson dành cho Nancy phải nhường chỗ cho những cái ôm ấp táo bạo trong bồn tắm."[6] Những thay đổi này phản ánh rõ nét nhất qua tranh bìa, như tập Hit and Run Holiday (1986)[lower-alpha 24] chẳng hạn; Nancy thường ăn mặc khiêu khích, váy ngắn, áo hở bụng hoặc xẻ ngực, hay diện đồ tắm; thể hiện sự thu hút đến một đối tượng khác trên hình nền, thường là một anh chàng đẹp trai, bảnh bao. Nancy cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn, thường bị đánh thuốc mê bất tỉnh hoặc không có khả năng tự vệ chống lại những đòn tấn công thông thường như xiết cổ.[62]

Bộ Files cũng có ngoại truyện riêng. Một loạt ngoại truyện ra đời năm 1988 lấy tựa đề là Super Mystery bắt chéo nội dung qua The Hardy Boys. Những truyện này tiếp nối tương tự như ngoại truyện của Hardy Boys là The Hardy Boys Casefiles.[lower-alpha 25][63]

Năm 1995, cuối cùng Nancy Drew cũng thành sinh viên trong bộ Nancy Drew on Campus.[lower-alpha 26] Những tập truyện này na ná như các bộ phim truyền hình tình cảm dành cho tuổi mới lớn. On Campus tập trung chủ yếu vào nội dung lãng mạn, về các nhân vật khác; yếu tố kì bí hay phá án chỉ là phụ. Theo yêu cầu của độc giả, Nancy chia tay luôn bạn trai Ned Nickerson ngay ở tập 2, On Her own (1995).[lower-alpha 27][39][64] Tương tự như Files, bộ On Campus cũng có nhiều ý kiến trái chiều, một số nhà phê bình xem việc đưa vào các chủ đề người lớn câu khách như hiếp dâm là "không thành công".[65] Carolyn Carpan nhận xét rằng loạt truyện này "mang nét lãng mạn của phim ảnh nhiều hơn là bí ẩn" và thấy rằng Nancy "đánh mất bản năng, bị tuột mất những manh mối dễ dàng vốn không thể nào bỏ lỡ trong loạt truyện trước đây".[66] Loạt truyện này cũng bị chỉ trích vì nói quá nhiều về yêu đương hơn là học hành, bị phê bình là giống như thời năm 1950 "các cô gái đi học chỉ thích lấy bằng MRS".[lower-alpha 28][67]

Năm 1997, Simon & Schuster tuyên bố dừng hàng loạt tập ngoại truyện của Nancy Drew và Hardy Boys, ngoại trừ truyện thiếu nhi. Files tiếp tục viết cho đến cuối năm 1997, Super Mystery và On Campus kết thúc vào đầu năm 1998.[68]

2003–2012: Girl Detective và tiểu thuyết hình ảnh

Năm 2003, các nhà xuất bản Simon & Schuster kết thúc loạt truyện gốc để bắt đầu đưa Nancy Drew vào sê-ri bí ẩn mới Girl Detective. Trong loạt truyện này, Nancy lái xe hybrid, dùng điện thoại di động và dùng đại từ "tôi" để thuật lại toàn bộ diễn tiến câu chuyện. Nhiều ý kiến tiếp nhận và bảo vệ những thay đổi này, cho rằng Nancy hoàn toàn không có gì khác ngoài việc học cách sử dụng điện thoại di động.[69] Những ý kiến khác khen ngợi nội dung đã thực tế hơn: Nancy không còn quá hoàn hảo như hình mẫu cũ và nhờ đó, người bình thường cũng có thể học theo hoặc giống như vậy, một cô gái thật sự chứ không phải "sự hoàn hảo được rập khuôn tự động hóa."[70]

Một số ý kiến, chủ yếu đến từ giới mộ điệu than thở về những thay đổi đã biến Nancy thành một cô gái ngu ngơ, đầu óc rỗng tuếch với những cuộc phiêu lưu ngớ ngẩn (khám phá thủ phạm cắt trái bí trong Without a Trace[lower-alpha 29] năm 2004) "là một tấm gương nông nổi cho tuổi tiền thiếu niên."[71] Leona Fisher phê phán loạt truyện mới xây dựng thị trấn River Heights bị tô trắng, phần vì "giọng văn ngôi thứ nhất của nhân vật quá vụng về non nớt không truyền tải được ý tưởng của người viết", trong khi tiếp tục làm trầm trọng thêm "những biểu hiện văn hóa bài ngoại liên quan đến sắc tộc và thứ tiếng khác" bằng cách đưa ra những suy đoán vô căn cứ về nguồn gốc quốc gia và dân tộc của các nhân vật trong truyện.[72]

Nancy cũng là nữ anh hùng của loạt tiểu thuyết hình ảnh do Papercutz cho ra lò năm 2005. Các truyện này do Stefan Petrucha sáng tác và Sho Murase minh họa theo phong cách manga. Hóa thân Nancy lần này được mô tả là "một thiếu nữ hiện đại, vui vẻ, lí lắc, nổi bật khi nắm gót tội phạm."[73]

Khi phát hành bộ phim năm 2007, một tác phẩm tiểu thuyết hóa không chính thống của phim cũng được sáng tác theo phong cách của loạt truyện cũ.[74] Mỗi sê-ri Girl Detective và Clue Crew[lower-alpha 30] đều có một truyện mới liên quan đến bí ẩn trên phim đó. Năm 2008, loạt truyện Girl Detective trình bày thành bộ ba truyện với cùng một hình mẫu trên bìa. Những bí ẩn này trở nên sâu sắc hơn, liên kết và xuyên suốt trên cả ba truyện với nhiều thủ phạm. Nhưng bộ ba tác phẩm này gặp phải phản ứng tiêu cực từ độc giả bởi những sai sót liên tục của Nancy, độ ngắn của truyện và thiếu tính hành động. Định dạng mới này khiến doanh số bắt đầu trượt dốc. Năm 2010, Simon & Schuster cắt giảm từ 6 xuống còn 4 đầu truyện Nancy Drew mỗi năm. Tháng 12 năm 2011, công bố sê-ri này bị khai tử cùng lúc với loạt Hardy Boys Undercover Brothers.[lower-alpha 31]

2013–nay: Diaries

Tiếp theo việc Girl Detective bị hủy bỏ giữa chừng, năm 2013 bắt đầu cho ra đời loạt truyện mới Nancy Drew Diaries.[lower-alpha 32][75] Bộ này cũng giống như bộ trước, mạch truyện theo lời kể ngôi thứ nhất của Nancy, cô vẫn đãng trí và vụng về. Cuốn sách có những chi tiết liên hệ đến văn hóa đại chúng và công nghệ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nancy Drew http://catalog.afi.com/Catalog/moviedetails/6253?s... http://legacy.aintitcool.com/node/77910#2 http://flakinahafisan.blogspot.com/2016/12/list-of... http://www.carolinequine.com/pages/Presentation_de... http://deadline.com/2016/02/drew-steve-kazee-cast-... http://deadline.com/2016/03/nancy-drew-debra-monk-... http://deadline.com/2016/05/drew-pilot-dead-cbs-sh... http://deadline.com/2017/10/nancy-drew-tv-series-n... http://deadline.com/2018/04/it-sophia-lillis-warne... http://www.filmbuffonline.com/FBOLNewsreel/wordpre...